Trường Đại học Y Dược Thái Bìnhhttp://tbump.edu.vn/uploads/logo_1.png
Thứ năm - 03/04/2025 05:351870
Được sự nhất trí Ban Giám hiệu, ngày 29/3/2025, Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh, Trường Đại học Y Dược Thái Bình; Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đại học Y Thái Bình đã tổ chức Workshop “Bệnh lý về tuyến vú - cách đọc, chọc dò và sinh thiết điều trị". Hội thảo với mục tiêu nâng cao chất lượng chuyên môn, hướng tới các dịch vụ kỹ thuật cao và chuyên sâu, đáp ứng nhu cầu giảng dạy, khám và điều trị người bệnh.
PGS.TS Nguyễn Xuân Bái - Phó Hiệu trưởng, Giám đốc Bệnh viện Trường, TS.BS Nguyễn Thu Hương - Giám đốc Trung tâm vú, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec, cùng các chuyên gia và CBVC Bộ môn/Khoa Chẩn đoán hình ảnh
Chương trình với sự hỗ trợ về chuyên môn của TS.BS Nguyễn Thu Hương - Giám đốc Trung tâm vú, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec, cùng các cộng sự. Về phía lãnh đạo Trường, Bệnh viện Trường có PGS.TS Nguyễn Xuân Bái - Phó Hiệu trưởng, Giám đốc Bệnh viện; TS Nguyễn Ngọc Trung - Trưởng Bộ môn Chẩn đoán hình ảnh, Phó trưởng (phụ trách) Khoa Chẩn đoán hình ảnh; cùng các giảng viên, cán bộ, nhân viên Bộ môn/ Khoa Chẩn đoán hình ảnh.
Chuyên gia cập nhật kiến thức về nhũ ảnh
Tại hội thảo, TS.BS Nguyễn Thu Hương - Giám đốc Trung tâm vú, Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec cùng các cộng sự đã trực tiếp hướng dẫn cách đọc phim, siêu âm cũng như kỹ thuật chọc dò và sinh thiết kim lõi dưới hướng dẫn siêu âm:
Đọc phim mammography
Các chuyên gia về chẩn đoán hình ảnh trình bày tổng quan về kỹ thuật chụp nhũ ảnh (mammography), bao gồm chụp hai tư thế cơ bản (CC - craniocaudal và MLO - mediolateral oblique). Người tham gia được hướng dẫn cách nhận biết các dấu hiệu nghi ngờ tổn thương ác tính như:
Vi vôi hóa: đặc điểm vi vôi hóa nghi ngờ theo phân loại BI-RADS.
Khối bất thường: các tiêu chí về bờ, hình dạng, mật độ để phân biệt tổn thương lành tính và ác tính.
Dấu hiệu bất thường nhu mô (architectural distortion) - một dấu hiệu quan trọng nhưng dễ bị bỏ sót.
Thay đổi mô vú theo thời gian qua các lần chụp kiểm tra định kỳ.
Các case lâm sàng thực hành trên hình ảnh mammography và siêu âm thực tế giúp bác sĩ làm quen với việc đánh giá và phân loại tổn thương theo hệ thống BI-RADS (Breast Imaging-Reporting and Data System).
Kỹ thuật chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA) và sinh thiết kim lõi (CNB)
Sau phần lý thuyết, chương trình đi sâu vào kỹ thuật chọc dò và sinh thiết, cùng với các trang thiết bị hiện đại (có sự hỗ trợ từ đoàn chuyên gia). Các chuyên gia trình bày:
Chỉ định và chống chỉ định của FNA và CNB.
Kỹ thuật thực hiện: cách tiếp cận tổn thương, lựa chọn loại kim phù hợp.
So sánh FNA và CNB: ưu điểm, hạn chế và tình huống áp dụng.
Hướng dẫn chọc dò và sinh thiết
Các bác sĩ tham gia được hướng dẫn thực hành trên mô hình, sau đó thực hiện dưới hướng dẫn siêu âm. Một số ca lâm sàng thực tế được trình bày, giúp bác sĩ đánh giá và lựa chọn phương pháp sinh thiết phù hợp.
Hội thảo cũng đề cập đến kỹ thuật sinh thiết vú có hướng dẫn (stereotactic biopsy) - phương pháp giúp sinh thiết chính xác các tổn thương khó tiếp cận trên siêu âm, đặc biệt là vi vôi hóa nghi ngờ.
Workshop “Bệnh lý về tuyến vú - cách đọc, chọc dò và sinh thiết điều trị” đã mang lại hiệu quả và giá trị thực tiễn, giúp các bác sĩ tự tin hơn trong việc đọc mammography, thực hiện chọc hút và sinh thiết nhằm chẩn đoán sớm ung thư vú. Buổi hội thảo góp phần nâng cao chất lượng chuyên môn, hướng tới các dịch vụ kỹ thuật cao và chuyên sâu, nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy và khám, điều trị người bệnh theo chỉ đạo của Đảng ủy Nhà trường về thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Công văn số 41-CTr/TU của Tỉnh ủy Thái Bình về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tác giả bài viết: TS Nguyễn Ngọc Trung - Trưởng Bộ môn/Khoa Chẩn đoán hình ảnh
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://www.tbump.edu.vn là vi phạm bản quyền